Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Nếp nhăn, ngươi là ai?

Ai cũng biết nếp nhăn là một kẻ thù của sắc đẹp, là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của tuổi tác và sự lão hóa da. Khi ở tuổi đôi mươi, ta e ngại về những nốt mụn, mẩn đỏ, tàn nhang, v..v... nhưng khi bước sang tuổi 30, ta bắt đầu lo âu nhiều khi nhận thấy những nếp nhăn dần xuất hiện trên khuôn mặt...

Về cơ bản, nếp nhăn là các đường xuất hiện trên bề mặt da bạn, gây ra bởi sự tăng cường sinh trưởng các gốc tự do độc hại của các lớp biểu bì và hạ bì. Tuổi tác, ánh nắng mặt trời, sự thiếu hụt estrogen và chất béo, các hành động lặp đi lặp lại của cơ bắp trên gương mặt trong suốt năm này qua năm nọ (cau mày, mỉm cười…) dẫn đến sự suy yếu của các sợi tế bào. Sự mất cân bằng xảy ra và các nếp nhăn xuất hiện theo đó.
Tùy vào từng độ tuổi mà nếp nhăn xuất hiện ở các khu vực khác nhau. Hai vùng da dễ dàng xuất hiện nếp nhăn nhất chính là vùng mắt và khóe môi.

Tuy nhiên, bạn có biết rằng nếp nhăn thực sự không phải chỉ có duy nhất một loại? Theo các nghiên cứu của một trường đại học ở Liege (Bỉ) vào năm 2006, các nhà khoa học đã phân chia nếp nhăn thành 4 loại chính. 
Nghiên cứu này chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến những loại nếp nhăn này cũng như một số biện pháp phòng ngừa và xử lý chúng.

1. Atrophic Crinkling Rhytids

Đây là những đường nhỏ xuất hiện trên da bạn, có cấu trúc song song với nhau.
Những nếp nhăn dạng này xuất hiện ở các khu vực khác nhau trên khuôn mặt hoặc cơ thể, và có xu hướng biến mất khi làn da được kéo căng theo chiều ngang. Những nếp nhăn này có liên quan đến sự mất đàn hồi của cấu trúc da.

Phòng ngừa và xử lý:

Nguyên nhân gây ra những nếp nhăn này là do sự thiếu hụt collagen, do đó bạn cần sử dụng các sản phẩm chống nắng cho da nếu phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc tia tử ngoại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để làm đầy da tạm thời và giảm thiểu sự xuất hiện của các nếp nhăn này.

2. Permanent Elastic Creases

Đây là những nếp nhăn có xu hướng gia tăng thường trực trên da, nhất là khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Những nếp nhăn dạng này xuất hiện thường xuyên ở vùng má, môi trên và cổ.

Phòng ngừa và xử lý:

Ánh nắng mặt trời làm cho tình trạng các nếp nhăn dạng này trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, bạn nên lưu ý luôn sử dụng kem chống nắng để ngăn chặn sự xuất hiện của các nếp nhăn này.

3. Dynamic Expression Lines


Những nếp nhăn này xuất hiện do các biểu cảm trên khuôn mặt (nhíu mày, nhăn trán, v..v..). Các vùng da thường thấy nếp nhăn dạng này là vùng trán hay khóe mắt (đường chân chim).

Biện pháp thẩm mỹ thường được áp dụng để điều trị nếp nhăn loại này là tiêm botox. Cách phòng ngừa tốt nhất là luôn cân bằng tâm lý, duy trì tâm trạng thoải mái vui vẻ, tránh xúc động mạnh hoặc stress.

4. Gravitational Folds

Những nếp nhăn này xuất hiện do tác động của trọng lực và ngày càng rõ ràng hơn khi da có dấu hiệu bị gấp lại và lún xuống. Hiện nay, người ta đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu về làn da con người ở môi trường không trọng lực tại Trạm Vũ trụ quốc tế, các nghiên cứu này có thể sẽ giúp làm sáng tỏ cơ chế xuất hiện các nếp nhăn do trọng lực gây ra.


Chúng ta có thể nghĩ rằng các nếp nhăn do trọng lực dễ xuất hiện ở các vùng da dày, tuy nhiên thực tế nghiên cứu cho thấy người có khuôn mặt mập mạp lại ít xuất hiện các nếp nhăn dạng này so với những người có khuôn mặt gầy.

Biện pháp phòng chống: sử dụng các sản phẩm có công dụng nâng cơ da sẽ giúp tăng cường độ săn chắc của da, nhờ đó giúp da không bị chảy xệ và nhăn nheo.

Lẽ dĩ nhiên, không ai tránh được tác động của thời gian. Khi ta nhiều tuổi hơn, cơ thể cũng sẽ bắt đầu lão hóa, nếp nhăn chính là một biểu hiện rõ nét nhất.


Tuy nhiên, ta vẫn có thể phần nào hạn chế bớt những tác động của thời gian lên khuôn mặt và cơ thể mình: luôn giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, có chế độ sinh hoạt ăn uống lành mạnh, sử dụng các sản phẩm dưỡng da phù hợp, tránh nắng kỹ càng (tuy nhiên nắng sớm từ 7h đến 9h sáng lại rất tốt cho xương nên đừng nghĩ rằng cứ thấy nắng là phải núp luôn trong nhà đâu nhé ^^, trắng xanh như ma cà rồng Edward cũng không đẹp đâu ạ ^^).

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Đôi điều về Paraben...

Thời gian gần đây, paraben trở thành vấn đề quan tâm khi sử dụng mỹ phẩm của rất nhiều chị em. Có không ít người hoang mang lo lắng về những hiểm họa tiềm ẩn về sức khỏe mà paraben gây ra. Thực sự paraben có phải là “hung thần bóng tối” cần phải nâng cao cảnh giác, và bất cứ sản phẩm nào có chứa paraben cũng là mầm mống gây tổn hại đến sức khỏe chúng ta? Hy vọng bài tổng hợp dưới đây sẽ phần nào giúp cả nhà có cái nhìn khách quan về paraben.


Paraben là gì?


Paraben là một chất bảo quản có tên hóa học là benzoate alkyl hydroxy, chất này thường được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm. Các parabens phổ biến nhất được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm là Methylparaben, Ethylparaben, p-Propylparaben, Isobutylparaben, n-ButylparabenBenzylparaben.

Paraben là mầm mống gây bệnh ung thư vú?

Khoảng từ năm 1998, một số nghiên cứu đưa ra nghi vấn về khả năng gây bệnh ung thư vú của paraben khi liên kết với thụ thể estrogen trong tế bào ung thư vú MCF -7 và tử cung của chuột (sau khi dùng paraben đường uống). Những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng paraben thúc đẩy sự sinh sôi của các tế bào ung thư vú, và chất này cũng được tìm thấy trong các mẫu khối u vú.  
Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành thực sự để kiểm tra về mối nguy hiểm của paraben trong các sản phẩm chăm sóc da, cũng như đối chiếu về mức độ paraben có thể có trong các mô bình thường.

Trong nghiên cứu về ung thư vú, các tế bào ung thư vú ở người MCF -7 phải chịu hàm lượng paraben lên tới một triệu lần giới hạn phân tử, và gấp hàng ngàn lần so với lượng paraben mà một người hấp thụ khi sử dụng một sản phẩm dưỡng da nào đó.

Tương tự như thế, lượng paraben liên kết với các thụ thể estrogen trong tử cung chuột ở nồng độ cao hơn nhiều so với lượng paraben tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da. Trong nghiên cứu thí nghiệm trên cá, lượng paraben trong bụng cá ở mức từ 100 đến 300mg ứng với 1kg trọng lượng cá, tỷ lệ này vào khoảng 15000 mg với một phụ nữ có trọng lượng khoảng 74kg.

Để hình dung rõ hơn, thử tượng tượng rằng bạn đang dùng 1 loại kem chống nắng có chứa 1% paraben (khoảng 20% đến 60% lượng paraben đó thấm qua da), cứ 1 cm2 da sẽ cần hấp thu khoảng 1mg kem (tham khảo tại đây). Cơ thể người chứa khoảng 14800 cm2 da, nghĩa là lượng paraben tiếp xúc với da bạn sẽ khoảng 60mg. Làm một phép tính nhẩm, bạn sẽ thấy rằng lượng paraben tối đa mà cơ thể người hấp thu chỉ bằng 1/24 so với nghiên cứu trên.

Hiện nay, các sản phẩm mỹ phẩm có chứa paraben ở mức từ 0.01% đến 0.3%. Với tỷ lệ nhỏ nhoi như thế này, nghi vấn về khả năng gây ung thư của paraben trong mỹ phẩm là hoàn toàn vô căn cứ.

Việc kiểm tra thành phần in trên bao bì cũng giúp ta nhận thức được ta đang sử dụng mỹ phẩm gì, nó có chứa chất nào gây kích ứng cho da hay không? Tuy nhiên, không nên quá cực đoan khi nhìn thấy paraben có in trong list ingredients, và nhất là khi chất này nằm dưới cùng của list (hàm lượng các chất thường được liệt kê theo thứ tự % giảm dần).

Tóm lại, bệnh ung thư hay bất cứ một vấn đề nguy hại sức khỏe nào đều do rất nhiều nguyên nhân. Bạn kỹ càng trong việc sử dụng mỹ phẩm, luôn check kỹ list ingredients của bất kỳ hộp kem hay hộp phấn nào, nhưng bạn lại hút thuốc hay thường xuyên phơi nắng, hoặc có chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ thì bạn vẫn không tránh khỏi các nguy cơ bệnh tật.


Xét về quan điểm cá nhân, Po nghĩ rằng bất cứ cái gì cũng có 2 mặt cả, ngay cả thuốc bạn uống giúp bạn khỏi bệnh cũng có tác dụng phụ cơ mà ^^. Quan trọng bạn phải hiểu rõ mình đang sử dụng cái gì, ưu và nhược điểm của nó ra sao, biết cách điều chỉnh liều lượng thế nào là phù hợp để khai thác được các lợi ích và giảm thiểu mọi nguy cơ ^_^.

Bài viết này, Po chỉ hy vọng sẽ phần nào giúp chị em nhà mình giảm bớt định kiến hơi tiêu cực về paraben ^^.
Po không khẳng định paraben là hoàn toàn lành tính. Mong rằng các tình iu nếu vô tình nhìn thấy paraben trong list ingredient in trên vỏ hũ kem hay hộp phấn của mình thì cũng đừng vội quy kết rằng cứ cái gì chứa paraben là đều hại da cả ^^, quan trọng là tỳ lệ chất này được sử dụng thế nào mà thôi.